HỘI NGHỊ ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN PHÁP LUẬT VÀ CHO THUÊ LẠI LAO ĐỘNG 2023
HỘI NGHỊ ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN PHÁP LUẬT VỀ CHO THUÊ LẠI LAO ĐỘNG
Ngày 22/12, tại TP Vũng Tàu, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) phối hợp với Tổ chức Lao động Quốc tế tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện pháp luật về cho thuê lại lao động.
Tham dự hội nghị có Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh, đại diện các Sở LĐ-TB&XH ở phía Nam và nhiều doanh nghiệp. Hội nghị được trực tuyến đến hơn 30 tỉnh, thành phố trên cả nước. Cho thuê lại lao động đang phát triển Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, nhấn mạnh trong bối cảnh toàn cầu hóa, doanh nghiệp đã tìm nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng, tăng trưởng doanh số, trong đó giải pháp thuê lại lao động là phương án được nhiều doanh nghiệp thực hiện.
Dựa vào những số liệu thời gian qua, ông Thanh nhận định hình thức cho thuê lại lao động là loại hình kinh doanh đặc thù, mang lại lợi ích cho các bên nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro quyền lợi cho người lao động. Chính vì thế, thời gian tới cần hoàn thiện cơ sở pháp lý, nâng cao sự quản lý của nhà nước trong lĩnh vực này để giảm bớt rủi ro cho người lao động. Lao động cho thuê lại chủ yếu lao động ngoại tỉnh từ các tỉnh miền núi, tranh thủ lúc nông nhàn hoặc lao động là sinh viên tranh thủ nghỉ hè, trình độ chuyên môn kỹ thuật thấp, tác phong công nghiệp chưa cao. Lực lượng lao động này thường được doanh nghiệp thuê lại tuyển dụng khi có đơn hàng yêu cầu từ doanh nghiệp nhận thuê lại lao động.
Bà Ingrid Chirstensen - Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam - cho hay, hiện nay trên thế giới có rất nhiều doanh nghiệp cho thuê lại lao động. Tại Việt Nam, loại hình kinh doanh này có tốc độ tăng trưởng nhanh chóng trong nhiều năm qua, đặc biệt tại các tỉnh có nhiều khu công nghiệp. Xu hướng cho thuê lại lao động trở thành quan trọng trong nền kinh tế thị trường, giúp doanh nghiệp đáp ứng kịp thời sản xuất kinh doanh. Đây cũng là cơ hội cho người lao động có tay nghề thấp tìm kiếm việc làm, có cơ hội học hỏi, rèn luyện.
Ông Nông Văn Dũng, Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đồng Nai, cho biết Đồng Nai có hơn 1,7 triệu người lao động nên dư địa trong việc cho thuê lại lao động lớn. Hiện có 80 doanh nghiệp được cấp phép cho thuê lại lao động tại Đồng Nai. Cho thuê lại lao động còn nhiều rủi ro, bất cập Theo bà Ingrid Chirstensen, loại hình cho thuê lại lao động sẽ ảnh hưởng đến những lao động lành nghề, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân sự, an sinh xã hội. Lao động cho thuê lại không tham gia công đoàn nên không được bảo vệ quyền lợi khi tranh chấp với người sử dụng lao động. Do vậy, nhóm này dễ dẫn đến sự bấp bênh về thu nhập và an sinh xã hội.
Bà Nguyễn Thùy Linh, Trưởng phòng Chính sách lao động, Cục Quan hệ lao động và Tiền lương, Bộ LĐ-TB&XH, cho biết trong 10 năm qua, hệ thống văn bản quy định về cho thuê lại lao động đã được cơ quan chức năng có thẩm quyền ban hành đầy đủ, đảm bảo đầy đủ hành lang pháp lý trong quá trình thực hiện. Tuy nhiên theo bà Linh, quy định hiện hành còn những hạn chế. Thời gian tới, Cục sẽ tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện các chính sách nhằm đảm bảo tương thích cao hơn với tiêu chuẩn lao động quốc tế và phù hợp với thực tiễn nhằm bảo vệ quyền lợi người lao động và doanh nghiệp. Bà Linh kiến nghị doanh nghiệp thuê lại lao động cần chấp hành tốt pháp luật, đặc biệt là thuê lại lao động ở những doanh nghiệp được cấp phép. Tăng cường giám sát việc đảm bảo chế độ của người lao động tại đơn vị cho thuê lao động; hướng đến giảm tỷ lệ thuê lại lao động, tăng lượng lao động trực tiếp giữa doanh nghiệp và người lao động.
Chia sẻ thêm về vấn đề trên, ông Nông Văn Dũng, cho rằng công tác quản lý nhà nước về hoạt động của doanh nghiệp cho thuê lại lao động gặp nhiều khó khăn. Các doanh nghiệp cho thuê lại lao động thường có quy mô nhỏ, nhân sự ít nên thường không thực hiện đầy đủ quy định pháp luật. Luật lao động chưa quy định bắt buộc doanh nghiệp thuê lại lao động thực hiện quyền giám sát việc chi trả tiền lương, thưởng, tham gia BHXH và chế độ phúc lợi khác. Đại diện Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bắc Ninh cũng nêu lên những khó khăn trong công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực cho thuê lại lao động. Nổi bật là tình trạng nhiều doanh nghiệp hoạt động chui, không có giấy phép hoặc hoạt động trá hình dưới hình thức lập chi nhánh của doanh nghiệp đã được cấp phép tại địa phương khác. Các doanh nghiệp này thường hạ đơn giá cho thuê để tạo lợi thế cạnh tranh, gây ảnh hưởng đến quyền lợi người lao động. Việc thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp cho thuê lại lao động hoặc doanh nghiệp thuê lại lao động đôi khi bị hạn chế.
3.485 doanh nghiệp thuê lại lao động Trong 6 tháng đầu năm 2023, số lượng doanh nghiệp thuê lại lao động trên cả nước là 3.485 doanh nghiệp (trong đó doanh nghiệp trong địa bàn tỉnh là 1.922 doanh nghiệp, doanh nghiệp ngoài địa bàn tỉnh là 1.563 doanh nghiệp). Ngành nghề kinh doanh chính của các doanh nghiệp thuê lại lao động chủ yếu sản xuất, lắp ráp điện tử, thuộc chuỗi cung ứng của các Tập đoàn đa quốc gia (Samsung, Apple, LG, Sony…). Cũng trong 6 tháng, có hơn 207.000 lao động cho thuê lại, phân bố các tỉnh, thành như TPHCM, Đồng Nai, Bắc Ninh, Hà Nội, Bắc Giang, Hà Nam, Thái Nguyên. Trong đó tỉnh Bắc Ninh có số lượng lao động cho thuê lại lớn nhất nước với hơn 41.000 người.
Nguồn: dantri.com.vn